Tin tức

Ý nghĩa các ký tự đằng sau CPU Intel

946
Sản phẩm có thể bạn quan tâm

Intel từ xưa tới nay là hãng đi tiên phong trong việc sử dụng các ký tự đằng sau mã CPU. Điều đó giúp họ phân biệt được các CPU có tính năng khác nhau. Nhưng nếu lạm dụng nhiều quá thì nó cũng gây khó khăn cho người dùng. Sau đây mình sẽ giải đáp cho các bạn ý nghĩa của từng ký tự.



Như các bạn có thể thấy trên hình:
- Intel Core là tên thương hiệu
- i9 là mã nhận diện dòng sản phẩm
- 1 hoặc 2 kí tự đầu để nhận diện đời của sản phẩm, hiện tại (2021) đời mới nhất là thế hệ 11 nên sẽ có số 11 ở trước, nếu có số 9 như trên hình thì là đời 9
- 3 kí tự tiếp theo để nhận diện mã hàng, mã càng cao càng có hiệu năng cao và giá cũng đắt hơn, ví dụ 900 trong 10900K sẽ mạnh hơn 850 trong 10850K mặc dù cả 2 CPU đều thuộc dòng Core i9 thế hệ 10.


CPU cho Desktop (máy bàn)


Dòng cho người dùng phổ thông

Hiện đang sử dụng

- K: Chắc hẳn đây sẽ là ký tự bạn hay gặp nhất. K ở đây có nghĩa là các CPU đó đã được Intel mở khóa hệ số nhân. Điều đó cho phép bạn ép xung vượt lên mức xung gốc của sản phẩm. Tuy nhiên điều đó bị đánh đổi bằng việc CPU nóng hơn và tiêu thụ điện nhiều hơn. Các CPU không có hậu tố này sẽ không có khả năng ép xung. Cho nên, nếu bạn muốn ép xung, cứ thấy có chữ K là lấy nhé. Các đại diện tiêu biểu: i9-11900K; i7-11700K; i5-11600K; i3-9350K (i3 đời 10 và 11 không có dòng K).
- F: Đuôi này có nghĩa là CPU đó không có nhân đồ họa tích hợp. Nếu sử dụng các CPU đuôi này, bạn cần phải có card đồ họa rời. Đuôi F chỉ xuất hiện trên các CPU Dòng cho người dùng phổ thông, không xuất hiện trên các CPU HEDT. Đại diện tiêu biểu: i3-10105F; i5-11400F; i7-11700F; i9-11900F.
- T: Các CPU có đuôi này là các CPU bình thường nhưng được tinh chỉnh để tiết kiệm điện năng hơn các mã CPU khác. Những CPU này thường chỉ đi kèm với các hệ thống máy tính đồng bộ, không bán lẻ. Các đại diện tiêu biểu: i3-3220T; i5-6400T; i7-7700T; i9-11900T
- B: các CPU có đuôi này có bộ nhớ đệm (cache) lớn hơn các CPU bình thường. Ví dụ i9-11900KB với 24MB cache, so với 16MB cache trên các mã i9 11900 khác.

Không còn sử dụng

- G: Đuôi này có ý nghĩa là CPU đó chứa iGPU RX Vega M GH của AMD sản xuất. Hiện tại, dòng này đã bị khai tử khi mà Intel đã có thể sản xuất các iGPU tích hợp mạnh mẽ và đang tung ra các bản card rời Xe. Bạn chỉ có thể thấy các CPU này trên bộ máy NUC Hades Canyon của chính Intel sản xuất. Các CPU tiêu biểu có đuôi này bao gồm: i7-8809G; i7-8705G; i5-8305G.
- R: Đuôi này ám chỉ các CPU Desktop nhưng có socket BGA – nghĩa là các CPU đuôi này sẽ được hàn chết vào mainboard. Hiện dòng này đã bị khai tử, VD điển hình: i7-5775R.
- S: Các CPU có đuôi này sẽ có hiệu năng cùng TDP giảm xuống 1 chút so với các CPU thường, hiện dòng này cũng đa bị khai tử. Đại diện: i7-4770S.
- KS: Chữ S trong đuôi này có nghĩa là Special Edition (phiên bản đặc biệt) với xung mặc định được đặt cao vút. Ngoài i9-9900KS, chưa thấy kí tự này xuất hiện lại.
- P: Các CPU có đuôi này sẽ sở hữu nhân đồ họa tích hợp (iGPU) yếu hơn so với các CPU khác trong cùng dải SP. Hiện cũng đã bị khai tử. VD cụ thể: i3-6098P; i5-6402P.

Dòng HEDT:


- X: Extreme Edition với nhiều nhân hơn và khả năng ép xung tốt hơn các CPU khác. Giá cũng sẽ đắt hơn các CPU bình thường. VD: i9-10940X
- XE: cũng có ý nghĩa tương tự đuôi X, là dòng CPU nhiều nhân và khả năng ép xung tốt hơn. Và những CPU đuôi XE là tốt nhất của dòng đó. VD: i9-10980XE
 

CPU cho Laptop (máy tính xách tay)


Hiện đang sử dụng

- H: Các CPU có đuôi này sẽ có điện năng tiêu thụ cao hơn bình thường nhưng đi cùng với nó cũng là hiệu năng cao hơn, cụ thể là mức xung cơ bản và xung boost cao hơn và có thể là có nhiều nhân/luồng hơn nữa. Ví dụ: Core™ i5-11500H có 6 nhân 12 luồng trong khi các CPU với đuôi khác chỉ có 4 nhân 8 luồng. Core™ i5-10300H có xung cơ bản/boost là 2.5/4.5, trong khi Core™ i5-10310U có xung cơ bản/boost chỉ 1.7/4.4 GHz.
- G1, G4, G7: các CPU có kí tự này đằng sau có nghĩa là nhân GPU tích hợp bên trong xịn hơn các CPU với đuôi khác, là nhân GPU Iris chứ không phải UHD Graphic. GPU tích hợp của các CPU với đuôi G7 có xung nhịp và hiệu năng cao hơn G4 và G4 thì cao hơn G1.
- U: Đuôi này chắc chắn có nhiều bạn nghe thôi đã thấy ái ngại rồi vì các CPU có đuôi này là các dòng tiết kiệm điện, có hiệu năng khá thấp để tối ưu thời lượng pin. Các CPU tiêu biểu: i3-4005U: i5-10310U
- Y: Nếu bạn đã sợ đuôi U, thì đuôi này sẽ làm bạn sợ hơn. Các CPU có đuôi này sẽ có hiệu năng và điện năng tiêu thụ thấp hơn cả dòng U, thích hợp cho các dòng máy Ultrabook, notebook siêu mỏng. VD điển hình: i5-10310Y
- N: Các CPU có kí tự này đằng sau sẽ chỉ có 1 mức tiêu thụ điện năng duy nhất, không có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn và thường sẽ chỉ được thấy trong các máy miniPC hoặc NUC, nhưng chiếc máy cần nhỏ gọn nhưng không chạy bằng pin.
Không còn sử dụng
- M: Đuôi này chắc ai cũng biếtM=Mobile, dùng để ám chỉ các CPU laptop thời xưa. Ngừng sử dụng từ thế hệ Haswell. Nó còn một phiên bản nhỏ nữa, đó là MX. VD: i3-3110M; i5-4300M; i7-4940MX
- Q: Ám chỉ các CPU laptop có 4 nhân. Nó cũng có các phiên bản nhỏ hơn như HQ, MQ và QM. Tuy nhiên, đuôi này đã ngưng sử dụng sau thế hệ Kaby Lake. Các CPU tiêu biểu có: i7-3720QM; i7-4800MQ; i7-5950HQ;…


Các kí tự kết hợp


Ngoài các kí tự đằng sau tên CPU đã nói ở trên, đôi khi bạn có thể gặp các kí tự kết hợp, ví dụ như Core i7-11700KF thì chỉ đơn giản là ghép ý nghĩa của 2 đuôi K và đuôi F lại, tức là CPU Core i7 thế hệ 11 này có thể ép xung và không tích hợp nhân đồ họa. Tương tự với mọi kết hợp khác.
 
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày