Ý tưởng này lần đầu tiên xuất hiện từ một cuộc thi hackathon (một cuộc thi nhắm đến việc giải quyết một vấn đề thông qua lập trình trong thời gian ngắn và liên tục) của Microsoft vào năm 2022 nhằm tập trung vào việc xử lý ổ cứng tại các cơ sở trung tâm dữ liệu của công ty một cách bền vững. Việc sử dụng và tái chế phần cứng máy chủ đã ngừng hoạt động tại chỗ sẽ giúp công ty đạt mục tiêu không có chất thải vào năm 2030 cũng như đưa khí thải carbon về “zero” vào năm 2050.
Microsoft cho biết trong một bài đăng trên blog rằng việc sử dụng robot, các trung tâm này sẽ ngừng hoạt động máy chủ tại chỗ, thực hiện phân loại các bộ phận có thể tái sử dụng cho Microsoft, khách hàng hoặc bán lại để cải thiện tính bền vững của thiết bị trong tương lai.
Đây là quá trình thú vị khi robot sử dụng thị giác máy tính để lập bản đồ các thành phần và tháo từng con ốc một cách chính xác. Các thành phần được giải phóng sau đó được phân loại, với các đĩa chứa dữ liệu được gửi đến máy hủy công nghiệp, trong khi mọi thứ khác như bảng mạch in và nam châm sẽ được chuẩn bị để tái chế.
Cuối cùng, quá trình này đảm bảo các vật liệu có giá trị sẽ được chuyển hướng khỏi bãi chôn lấp và được tái sử dụng, một sự tương phản hoàn toàn với các đơn vị tái chế thông thường khi nghiền nát toàn bộ cụm ổ đĩa thành những mảnh nhỏ.
Microsoft không chỉ triển khai phương pháp thân thiện với môi trường hơn này trong hoạt động của riêng mình. Công ty đang đóng vai trò lãnh đạo bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất ổ đĩa và chính phủ trên toàn thế giới. Vì vậy, trong khi các ổ cứng cũ có thể sắp bị loại bỏ, các thành phần của chúng đang được hồi sinh.
Việc sử dụng robot tiên tiến để tháo rời đĩa không phải là một khái niệm mới. Vào đầu năm nay, công ty loại bỏ dữ liệu Garner đã công bố DiskMantler nhỏ gọn nhưng mạnh mẽ, sử dụng kỹ thuật lắc mạnh để tháo rời ổ đĩa HDD trong 60 đến 90 giây. Giống như cách triển khai của Microsoft, quy trình này cũng cô lập các nam châm đất hiếm.
(Nguồn: Báo Thanh Niên)