Giải pháp công nghệ

Điều gì xảy ra với những chiếc máy tính có 2 CPU?

152
Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, máy tính với 2 CPU không phải là điều hiếm gặp, tuy nhiên chúng gần như không còn tồn tại ngày nay.
Quay trở lại thời máy tính có 2 CPU, nhiều người ắt hẳn còn nhớ đến các hệ thống trang bị 2 bộ xử lý Intel Pentium III nhờ vào bo mạch chủ hỗ trợ socket kép. Ở thời điểm đó, những hệ thống này khá đắt đỏ và chỉ dành cho những người đam mê công nghệ.

Ngày nay, việc sở hữu máy tính với 2 CPU đã trở nên lỗi thời. Vậy tại sao công nghệ này biến mất khỏi thị trường? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Thời của máy tính với CPU đa lõi

Để tìm hiểu, chúng ta cần biết rằng Intel Pentium III dù mạnh mẽ nhưng chỉ có một lõi, điều này hạn chế khả năng xử lý đa nhiệm. Trước khi công nghệ đa luồng ra đời, CPU kép là giải pháp tạm thời, kéo theo sự xuất hiện của một số giải pháp về phần mềm được đưa ra.

Symmetric Multiprocessing (SMP) cho phép 2 CPU Pentium III chia sẻ bộ nhớ và thực thi các luồng song song, nhưng chỉ những ứng dụng được thiết kế đặc biệt mới thực sự tận dụng được lợi ích này. Hệ điều hành như Windows NT và Linux đã hỗ trợ việc phân phối quy trình trên cả 2 CPU, nhưng hiệu suất cải thiện không đáng kể cho các chương trình đơn lẻ.

Ngày nay, máy tính với 2 CPU đã trở nên không cần thiết. Mặc dù vẫn có máy chủ hỗ trợ nhiều CPU Intel Core Xeon, nhưng máy tính tiêu dùng không còn sử dụng cấu hình này. Điều này chủ yếu liên quan đến băng thông bộ nhớ.



Các máy chủ quan trọng thường có 2 CPU, mỗi CPU có bộ điều khiển bộ nhớ riêng giúp tối ưu hóa hiệu suất cho các tác vụ quan trọng như ảo hóa và cơ sở dữ liệu quy mô lớn. Tuy nhiên điều này không còn quan trọng đối với người dùng thông thường.

Trong thực tế, CPU dành cho người tiêu dùng ngày nay đã có nhiều lõi và luồng hơn, khiến máy tính với 2 CPU trở nên không còn phù hợp. Việc sở hữu một máy tính 2 CPU không mang lại lợi ích thực sự cho người dùng thông thường. Nếu muốn thử nghiệm hệ thống với 2 CPU, người dùng có thể tìm mua máy chủ cũ với bộ xử lý Xeon kép, nhưng việc tận dụng hết tiềm năng của nó là điều không dễ dàng.

Cuối cùng, thế giới đã qua thời kỳ mà máy tính 2 CPU là cần thiết cho các tác vụ chuyên sâu. Sự phát triển của công nghệ đã giúp người dùng có nhiều lựa chọn hiệu quả hơn mà không cần phải đầu tư vào những hệ thống cũ kỹ và tiêu tốn năng lượng như vậy nữa.
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Chia sẻ:
Bình luận Facebook
Tin nổi bật trong ngày